Trường TH Vạn Bảo
Thư viện
Giới thiệu sách tháng 11 – Cuốn sách
“Gương mặt nhà giáo Thủ đô năm 2007”
Thưa các đồng chí thân mến.
Hàng năm cứ đến tháng 11, học sinh và giáo viên cả nước lại tưng bừng kỉ niệm ngày 20-11, ngày tôn vinh các nhà giáo Việt Nam. Nhà giáo chúng ta đã không quản khó khăn, vất vả, vượt qua biết bao nhiêu áp lực trong cuộc sống, bên cạnh những lo toan thường ngày của cuộc sống gia đình, nhưng với tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ, chúng ta đã phải vượt qua chính mình để luôn là tấm gương sáng trong mắt học trò. Mỗi giờ giảng lên lớp, mỗi tập bài kiểm tra được chấm tỉ mỉ, công bằng, mỗi việc làm, lời nói trong giao tiếp với học sinh và xã hội đều là những thách thức mà người giáo viên phải vượt qua. Cuộc sống ngày càng phát triển, thế hệ học sinh ngày nay có điều kiện tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin và vô vàn kiến thức của thế giới đang rộng mở, nên nhà giáo phải không ngừng học hỏi, tự hoàn thiện để thực sự là tấm gương về kiến thức , về đạo đức, tự học và sáng tạo để tăng thêm khả năng thuyết phục của mình với những trái tim và khối óc học trò. Từ phong trào thi đua dạy tốt học tốt của ngành giáo dục, những tấm gương tiêu biểu của nhà giáo Thủ đô xuất hiện càng nhiều, từ khắp các quận huyện, ngành học, cấp học. Những tấm gương lao động của các nhà giáo không chỉ là sự khẳng định hình ảnh đẹp đẽ của người thầy, mà còn là nguồn động viên, cổ vũ để các bạn bè đồng nghiệp và các thế hệ học sinh noi theo.
Trên tay tôi là cuốn sách “Gương mặt các nhà giáo Thủ đô – năm 2007” . Sách dày 205 trang, khổ 14.5 x 20.5cm, do nhà in Hà Nội in ấn. Sách được in trên giấy dày, bóng rất đẹp. Trong cuốn sách này giới thiệu 33 nhà giáo ưu tú và 7 tập thể giáo viên vững mạnh của thủ đô Hà Nội. Họ thuộc đủ các quận huyện, ngành học khác nhau từ giáo viên mầm non đến giáo viên dạy các trường Trung học phổ thông, cả hiệu trưởng, hiệu phó tâm huyết với nghề. Ba mươi ba bông hoa đẹp ấy là niềm tự hào của ngành giáo dục Thủ đô.
Các tác giả đã giới thiệu các tấm gương sáng của ngành giáo dục Thủ đô bằng những lời viết giản dị, chân thành và kính phục giúp cho những người đọc thấy được sự vất vả, sự tận tụy với nghề của mỗi tấm gương nhà giáo. Tôi xin đơn cử vài tấm gương sáng trong cả rừng hoa đẹp của Thủ đô Hà Nội.
Sáu mươi tuổi, mái đầu đã điểm bạc nhưng ánh mắt rất tươi sáng, trẻ trung và phong thái luôn điềm tĩnh, đấy là cảm nhận của những ai mới tiếp xúc lần đầu với ông, nhà giáo Nguyễn Tiến Đoàn. Bảy năm qua trên cương vị giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội, ông có những đóng góp đáng ghi nhận vào quá trình phát triển chung của sự nghệp giáo dục Thủ đô. Khi được nhận nhiệm vụ, ông đã cùng một đồng chí phó giám đốc chỉ đạo việc xây dựng bộ chương trình và giáo trình của các trường trung học công lập phục vụ việc giảng dạy các chuyên ngành. Ông cũng chỉ đạo xây dựng các trường học khang trang hơn, đẹp đẽ hơn. Ông đề xuất việc xây dựng tiêu chuẩn kiểm định chất lượng các trường học được đưa vào triển khai kiểm định từ năm 2006. Trong công việc, ông thường có tác phong: thẳng thắn, sắc sảo, tỉ mỉ, và sâu sát. Chính ông đưa ra và thực hiện phương châm “Bám sát cơ sở, kỉ cương trong quản lý, thực chất trong đánh giá”. Với phong cách làm việc khoa học, sâu sát, tôn trọng và yêu cầu cao đối với anh chị em ông đã góp phần bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên tạo thành khối đoàn kết để cùng nhau làm việc.
Cô giáo Trần Minh Yến được sinh ra, lớn lên và quay trở lại dạy chính tại trường tiểu học Nhật Tân. Từ khi thực sự đứng trên bục giảng, cô luôn băn khoăn 1 điều “Làm thế nào đây để các em tiếp nhận kiến thức một cách dễ dàng, thích thú”. Cô đã ngày đêm suy nghĩ, trăn trở để tìm ra cách giảng dạy phù hợp cho học sinh lớp mình. Không chỉ quan tâm về mặt kiến thức, cô còn luôn quan tâm đến tình cảm của các em, luôn tạo hứng thú cho học sinh khi đến lớp, đến trường bằng những phần quà nho nhỏ khi học sinh có thành tích hoặc mỗi tháng tổ chức sinh nhật chung, giúp cho học sinh gần gũi nhau hơn, biết quan tâm đến người khác. Trong những năm đứng trên bục giảng, cô luôn suy nghĩ và làm theo câu nói : “Chúng ta cứ hết lòng vì học sinh thân yêu thì phần thưởng vô giá mà cha mẹ và các thế hệ học sinh dành cho chúng ta không có giá trị về mặt vật chất, nhưng có giá trị tinh thần vô cùng to lớn, đó là uy tín nghề nghiệp”. Năm học 2006-2007, cô được phân công giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi cuối năm, học sinh của cô đã mang về cho nhà trường bảy giải cấp quận, trong đó có một giải nhì – lần đầu tiên trường có một giải nhì về môn văn hóa.
Trong cuốn sách còn có rất nhiều tấm gương nữa của các ngành học, cấp học. Tôi mong rằng các bạn sẽ tìm đọc để qua đó học hỏi thêm đồng nghiệp, và thêm yêu hơn, tự hào hơn về nghề nghiệp của mình. Thư viện luôn mở cửa đón chào các bạn vào các ngày trong tuần. Thân ái chào các bạn!
Cán bộ thư viện